Ngày đăng bài: 08/11/2023 14:55
Lượt xem: 49328
Lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam

Lịch sử, nguồn gốc ngày Nhà giáo Việt Nam

  Công đoàn giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức Công đoàn giáo dục quốc tế vào tháng 7 năm 1953

  Năm 1954 với nòng cốt là các nhà giáo xã hội chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản "Hiến chương các Nhà giáo"; Tháng 8/1957, tại hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định chọn ngày 20/11 hàng năm là "Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo".

  Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Đến khi đất nước hoàn toàn được giải phóng thì ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của các nhà giáo Việt Nam.Và theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam đánh dấu được vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến những người thầy, người cô của mình.

Ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

   Dân tộc ta có truyền thống: “Tôn sư trọng đạo”, nét đẹp ấy đã được bao thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển.

  Từ xa xưa, hình ảnh người thầy luôn tượng trưng cho những chuẩn mực, người thầy còn mang trong mình sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho các thế hệ học trò của mình, giúp họ trở thành người có đủ đức, đủ tài để xây dựng nước nhà ngày một lớn mạnh hơn nữa.

  Bởi vậy, nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam là nhắc đến một ngày trọng đại và ý nghĩa, là ngày để các thế hệ học trò hướng về các Thầy, Cô giáo những người lái đò âm thầm, lặng lẽ, những người ươm mầm xanh cho Đất nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.  Bao nhiêu lớp học trò đi qua, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô như những người lái đò cần mẫn chở những người học trò sang sông, gieo mầm tri thức, nâng cánh ước mơ giúp học trò đến được những bến bờ mới lạ, để sau này, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

  Đã thành thông lệ, cứ đến 20/11, các trường học trong cả nước lại nô nức với các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt, văn nghệ, mít tinh kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, dựng trại, cắm hoa và nhiều hoạt động ý nghĩa khác thể hiện đúng đạo lý Tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt, là dịp để mỗi học sinh tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các thầy cô giáo.

  Một mùa hiến chương nữa lại về, xin kính chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để mãi mãi vun đắp cho sự nghiệp trồng người.