"Phép tắc của loài sói" là cuốn sách viết về ý chí sinh tồn, khả năng săn mồi và tinh thần tập thể của loài sói. Khi đọc tác phẩm này, độc giả cũng sẽ học hỏi được những bài học cần thiết để trở nên mạnh mẽ hơn giữa cuộc sống đầy khó khăn và thách thức.
Được viết như một quyển sách kỹ năng sống, "Phép tắc của loài sói" đưa ra những triết lý cụ thể cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên ở những chương đầu, tác giả chủ yếu tập trung khắc họa đời sống cũng như những câu chuyện xoay quanh loài sói.
1. Nhiệm vụ quan trọng nhất của loài sói là sinh tồn
Trong sách, tác giả có đưa ra một câu chuyện chứng tỏ sự thích nghi và khôn ngoan của loài sói như thế này: "Bên bờ sông, một con sói phải đưa đàn con qua sông. Với kinh nghiệm của mình, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ sói sẽ cắp từng con qua sông. Nhưng thực tế rằng, sói mẹ sợ con mình nguy hiểm nên sẽ cắn chết một con vật, thổi đầy hơi vào bao tử của chúng và dùng răng cắn chặt lại làm bè để đưa con sang sông".
Quả thật, loài sói có khả năng sinh tồn cực mạnh mẽ. Dù cho thiên nhiên có tàn khốc, con người săn bắn càng dữ dội thì chúng càng có ý chí sinh tồn mãnh liệt, đối phó với mọi tình huống theo cách rất thông minh. Bởi vì sống trong điều kiện khắc nghiệt và thường xuyên đối mặt với cái đói nên sói buộc phải tiêu hóa hết thức ăn. Chúng ăn toàn bộ thịt bám trên mảnh xương của con mồi, chỉ để lại những phần không thể ăn nổi. Bên cạnh đó, sói cũng có dạy dày rất lớn nên chúng mới có thể không bị diệt vong.
2. Cạnh tranh vô cùng tàn khốc
Ngoài việc phải chiến đấu với những loài động vật mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn, trong nội bộ đàn sói cũng phân cấp rất rõ ràng. Nếu muốn tồn tại trong môi trường tự nhiên, chúng buộc phải cạnh tranh. Nhờ đó, sói lại hình thành được những khả năng đặc biệt.
Minh chứng rõ ràng cho điều đó là câu chuyện của người thợ săn kể lại trong quá trình đi bắt loài sói: "Khi một con sói đang bị đuổi đến 1 ngã ba với 2 đầu là 2 thợ săn với khẩu súng trên tay thì chúng sẽ cố gắng hết sức để tìm đường thoái thân với 1 trong 2 khẩu súng chứ không bao giờ chạy vào con đường hẹp không có người bởi vì chúng biết rằng nếu giành được đường thì sẽ chiến thắng, còn nếu đi vào đường bằng phẳng thì chắc sẽ chết bởi vì chúng biết rằng đường bằng phẳng kia có bẫy".
3. Kiên nhẫn và bền bỉ
Thực chất, sói không hề có chút ưu thế nào về tầm vóc, tốc độ khi so với các loài ăn thịt khác. Chúng cũng không ngủ đông. Vậy làm sao mà sói có thể trụ vững qua thời kỳ khắc nghiệt ấy? Đây là một câu hỏi rất đáng để chúng ta quan tâm và suy nghĩ.
Tỷ lệ săn mồi thành công của loài sói lên đến 90%. Chúng sẵn sàng bỏ ra cả ngày quan sát và theo dõi con mồi để chọn thời điểm thích hợp ra tay. Ý chí bền bỉ và sự nhẫn nại của loài sói sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Vì thế nên mới có một câu chuyện là: "Một con sói bị rơi hố bẫy của thợ săn nhưng con sói không hề tỏ ra cam chịu mà tiến hành bắt đầu đào khoét, tạo 1 sườn dốc hơi nghiêng để có thể nhảy ra ngoài. So với cái hố thì con sói trở nên qua bé nhỏ. Nhưng khác biệt duy nhất là con sói không bỏ cuộc. Tuy móng gãy, đầu bị vỡ, da bị cào đến chảy máu, con sói vẫn tiếp tục đào. Sau một ngày đêm cực lực, cuối cùng con sói cũng thoát được ra ngoài nhờ ý chí phi thường và khả năng sinh tồn đặc biệt của mình ".
4. Luôn chú tâm, không phân tán tinh thần
Sói có một bản năng được truyền từ đời này sang đời khác là tập trung tinh thần khi đứng trước nhiều con mồi. Nếu chúng muốn nuốt trọn tất cả con mồi thì sẽ nhanh bị tiêu hao năng lượng và nhận lấy thất bại. Khi săn mồi, sói chỉ nhắm vào một đối tượng duy nhất, thường là những con già yếu hoặc còn nhỏ trong đàn. Sự chú tâm đó làm tăng tỷ lệ thành công. Một nguyên tắc thể hiện sự tài trí của loài sói là "Chờ cho lũ dê ăn no, chạy không nổi rồi mới ra tay".
5. Tinh thần đồng đội của loài sói
Sói là loài hoạt động theo bầy đàn cực kỳ tốt. Con sói đầu đàn sẽ có quyền lực cao nhất. Mọi con sói còn lại sẽ phải tuân theo mệnh lệnh của nó khi săn mồi. Sói tự phối hợp với nhau trong các cuộc săn mồi và có thể bắt được 1 đàn linh dương.
"Phép tắc của loài sói" là một cuốn sách hay về nhân sinh quan và tư tưởng tiến thủ của con người, lấy bản tính sinh tồn của loài sói làm kim chỉ nam. Ở đó, tác giả cũng mượn rất nhiều câu chuyện của các vĩ nhân hoặc truyện ngụ ngôn để minh họa cho luận điểm của mình, giúp độc giả cảm thấy gần gũi và dễ hiểu hơn.