Ngày đăng bài: 09/11/2022 08:47
Lượt xem: 10331
Tọa đàm trực tuyến “Kết nối thư viện số dùng chung bảo vệ bản quyền của tài liệu và phương thức thực hiện”
Sáng ngày 08/11/2022, Trung tâm Thông tin - Thư viện tham dự tọa đàm trực tuyến “Kết nối thư viện số dùng chung bảo vệ bản quyền của tài liệu và phương thức thực hiện”

Sáng ngày 08/11/2022, Trung tâm Thông tin - Thư viện, trường Đại học Hải Phòng tham dự tọa đàm trực tuyến “Kết nối thư viện số dùng chung bảo vệ bản quyền của tài liệu và phương thức thực hiện” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc tổ chức. Tọa đàm đã kết nối và thu hút sự tham gia của gần 200 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.

Trung tâm Thông tin - Thư viện, trường Đại học Hải Phòng tham dự buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm đã chỉ rõ vấn đề cấp thiết được đặt ra cho hệ thống thư viện đại học là làm thế nào để người dùng của các trường có thể truy cập, khai thác tối đa kho tài nguyên thông tin, tri thức phong phú, đa dạng đang được lưu giữ trong các thư viện trường. Việc xây dựng thư viện số không chỉ là phần mềm quản lý tài nguyên số mà còn là các dịch vụ số, cho phép người dùng khai thác sản phẩm, dịch vụ của thư viện trên môi trường số như: dịch vụ tư vấn nghiên cứu, dịch vụ tương tác giữa cán bộ với người dùng, dịch vụ đặt phòng học nhóm... đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ, gợi ý cho người dùng sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn), machine learning (học máy).

Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội các Thư viện đại học khu vực phía Bắc chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Hiện nay, mặc dù hầu hết các trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã có bộ sưu tập số của riêng mình, song việc kết nối vào kho tài nguyên thông tin số đại học dùng chung hoàn toàn không đơn giản do các trường sử dụng các công cụ phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung khi tạo lập bộ sưu tập số gồm: Tổ chức tài liệu số; Lưu trữ, bảo quản tài liệu số; Phân phối, khai thác tài liệu số; Kết nối, chia sẻ tài liệu số.

Buổi tọa đàm kết nối và có sự tham gia của gần 200 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.

Bên cạnh đó vấn đề bản quyền trong quản lý tài nguyên số gồm: Xác định bản quyền và sở hữu trí tuệ của tài liệu số; Tổ chức, phân quyền, phân phối và khai thác theo chính sách của trường; Tổ chức, phân quyền, phân quyền khai thác theo bản quyền của tài liệu; Tuân thủ Luật Sở hữu Trí tuệ cũng được các trường tham dự quan tâm trao đổi, thảo luận.